Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng, các ngành chức năng và các địa phương có tuyến Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương đang khẩn trương tổ chức triển khai đồng loạt việc cắm mốc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa (cắm mốc tạm) theo phương án thiết kế bàn giao cho địa phương làm cơ sở lập hồ sơ, thủ tục thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng dự án 2 tuyến cao tốc này

 

Là hộ kinh doanh từ 2016 đến nay, chị Nguyễn Thị Huế Thanh, phường Lộc Phát vừa mừng vừa lo khi ngành chức năng tiến hành cắm mốc thực địa hướng tuyến trong phạm vi cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Mừng vì có tuyến cao tốc sẽ mang lại lợi ích về phát triển du lịch, có nguồn khách mới giúp kinh tế phát triển. Lo vì khi nằm trong quy hoạch, di dời về nơi ở mới, bắt đầu định hình lại về nhà cửa và việc kinh doanh của gia đình mình.

Với Ông Nguyễn Văn Thưởng, thôn 6, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai, việc hình thành dự án tuyến Cao tốc đặt ra những kỳ vọng lớn, không chỉ giảm tải cho Quốc lộ 20, mà còn kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ với hệ thống mạng lưới đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, với Lâm Đồng. Việc cắm mốc thực địa hiện trường trong những ngày qua tại địa phương mình, đã giúp cho ông Thưởng cùng nhiều người dân khác biết và nắm rõ hơn về hướng tuyến cao tốc đi qua để có sự đồng thuận, dự tính để di dời cơ sở vật chất, thu hoạch hoa màu, cây trồng bàn giao cho ngành chức năng triển khai dự án.

Theo UBND tỉnh, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương được xác định là dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để khởi công Dự án là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của tỉnh trong năm 2023. Tại buổi làm việc mới đây của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết trên cơ sở khảo sát thực địa, đơn vị đã dựng các bản đồ số để nghiên cứu phương án tuyến, xác định phương án tối ưu… Đối với công tác tư vấn đã thực hiện thiết kế trên phần mềm BIM. Trên cơ sở hồ sơ đã thống nhất đã tổ chức cắm cọc trên thực địa. Đến nay đã cắm xong 25km/55km khoảng 250 cọc tim tuyến trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng những đoạn không có rừng.

Khi 2 tuyến cao tốc hoàn thành (dự kiến 2026, 2027) sẽ tạo động lực phát triển đột phá về kinh tế – xã hội, thúc đẩy du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây nguyên nói chung; góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian, xây dựng, phát triển TP.Đà Lạt trở thành một vùng đô thị hiện đại. Hai dự án này được xác định là dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Vì thế, việc hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của tỉnh trong năm 2023./.

Bình luận

Bình luận